Với số vốn 500 triệu đồng được vay từ nguồn vốn ưu đãi theo chương trình hỗ trợ để phát triển chăn nuôi đầu tư nuôi bò sữa. Sau gần 5 năm, nhờ chí thú làm ăn, tận dụng và phát huy tốt đồng vốn, đến nay trại bò sữa của gia đình ông Bùi Văn Ghềnh đã có hơn 40 con bò sữa, thu nhập bình quân gần 40 triệu đồng/tháng. Vừa qua ông đã tậu được xe hơi mới coóng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Ghềnh (dân trong xã vẫn gọi ông là ông Bảy Ghềnh), ấp Bầu Trăn, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, trước đây gia đình ông trồng rau các loại, nhưng do giá cả lên xuống thất thường, công việc chỉ có 2 vợ chồng làm nên lúc nào cũng thiếu công lao động, vất vả mà lợi nhuận lại chẳng được bao nhiêu. Sau đó, ông có chuyển qua thuê đất trồng khoai mì, đúng lúc trồng nhiều thì giá khoai mì lại rớt thê thảm, vậy là gia đình phải ôm khoản nợ tiền đầu tư, bán cả nhà để trả.
Ông Bảy bùi ngùi nhớ lại: “Lúc đó công việc đầu tư trồng trọt thất bại, ôm một đống nợ, con cái lại đến tuổi đi học Đại học, trăm thứ lo, may sao lúc đó tôi tìm hiểu về nghề nuôi bò sữa, hỏi thăm bên Hội Nông dân xã, đúng lúc có chương trình hỗ trợ cho nông dân vay vốn chăn nuôi bò sữa với nhiều ưu đãi về lãi suất, tôi như người chết đuối vớ được phao”.
Có được nguồn vốn vay, ông đầu tư xây dựng chuồng trại, số tiền vay này ông không phải trả lãi, phần còn lại ông mua 1 đàn bò sữa 20 con, đến nay sau 5 năm, đàn bò của ông đã gần 40 con, trong đó có gần 20 con đang cho sữa đều hàng ngày. Có con năng suất sữa đến gần 40 lít/ngày.
Gặp chúng tôi vào giờ giữa trưa khi vừa đi cắt cỏ về, ông vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về công việc chăn nuôi của mình. Ông kể: “công việc hàng ngày của tôi tuy đơn gian nhưng mất khá nhiều thời gian và nó cứ liên tục ngày này qua ngày khác. Từ sáng sớm đã phải dậy để vắt sữa bò, đi giao sữa, sau đó lại quay ra đi cắt cỏ, nghỉ ngơi 1 tí buổi trưa rồi chiều lại tiếp tục công việc vắt sữa, tắm rửa cho bò và vệ sinh chuồng trại”.
Theo ông Bảy, công việc chăn nuôi bò sữa tuy không vất vả lắm, nhưng nó đòi hỏi phải tuân thủ một thời khóa biểu nghiêm ngặt. “Khi trồng cây thì trái không hái hôm nay, mai hái cũng được, nhưng sữa bò thì phải vắt đúng cử của nó” – ông Bảy ví dụ.
Ông Năm Hoa, một hàng xóm lâu năm mà cũng là một “đồng nghiệp” cùng nuôi bò giống ông Bảy cho biết: “Trước tôi đi làm công nhân, lương thấp, lại mất nhiều thời gian, được anh Bảy tư vấn và động viên, tôi xin nghỉ làm, ở nhà và cũng vay vốn nuôi bò sữa như anh Bảy, trong quá trình chăn nuôi, anh Bảy cũng luôn chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn nhiệt tình cho tôi trong nghề”.
Chỉ vào chiếc xe ô tô của ông Bảy, anh Năm Hoa hóm hỉnh nói: “Tôi cố gắng theo bắt chước anh Bảy, có khi vài năm nữa tôi cũng mua vài chiếc xe như anh”.
Điều đặc biệt mà khi đến thăm chuồng bò của nhà ông Bảy Ghềnh là hệ thống âm thanh được gắn ngay trên vách tường của chuồng, một dàn nhạc rất xịn. Bước vào bên trong chuồng sẽ nghe thấy tiếng nhạc rất hay. Tuy nhiên, theo ông Bảy không phải lúc nào cũng mở nhạc, mà phải có giờ giấc đàng hoàng.
Ông cho biết: “Mục đích chính của việc tôi mở nhạc cho bò nghe là để cho đàn bò thêm dạn dĩ, không hoảng sợ mỗi khi có tiếng động lạ, hoặc người vào chăm sóc, khi bò bị hoảng sợ sẽ bị mất sữa, hơn nữa, tôi tập cho bò thói quen, cứ nghe nhạc là đứng dậy, tức là đã đến giờ ăn, tắm rửa, không được nằm nữa”.
Nhận xét về ông Bảy Ghềnh, ông Đỗ Thành Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi cho biết: “Ông Bùi văn Ghềnh là một trong những hộ tiêu biểu ở địa phương biết tận dụng và phát huy tốn đồng vốn vay, nhờ chăm chỉ lao động sản xuất mà đến nay đàn bò của ông đang phát triển tốt, thu nhập của gia đình khá ổn định, đời sống đã khá hơn trước rất nhiều”.
Tựa bài do enternews đặt