Memebox chuyển website thương mại điện tử của mình thành một trang cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp. Ảnh: Techcrunch |
Ra mắt năm 2012 tại Hàn Quốc, startup Memebox – cung cấp cho người dùng các hộp mỹ phẩm đăng ký hàng tháng, đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp.
Năm 2014, startup này quyết định mở rộng sang thị trường Mỹ với lĩnh vực thương mại điện tử, tập trung cung cấp các sản phẩm làm đẹp của châu Á. Tuy nhiên, ba năm sau, công ty dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh trên trang web tại Mỹ, chuyển sang xây dựng cộng đồng để người dùng có thể chia sẻ và tìm hiểu những kiến thức mỹ phẩm. Động thái này giúp startup mỹ phẩm thu được một lượng lớn dữ liệu, đáp ứng nhu cầu làm đẹp chuyên biệt của khách hàng.
Tăng nhận diện thương hiệu từ xây dựng cộng đồng
“Chúng tôi quyết định tập trung xây dựng cộng đồng làm đẹp bởi nhận ra chỉ khi người dùng tại Mỹ nhận thức được những ưu điểm của các sản phẩm làm đẹp châu Á, doanh số bán hàng mới được cải thiện”, ông Dino Ha, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành, cho biết.
Đây được đánh giá là bước đi khá táo bạo khi chuyển đổi mục đích sử dụng trang từ kinh doanh sang phát triển cộng đồng.Việc này giúp tăng thời gian truy cập trang web của công ty lên 25 phút, thay vì chỉ ba phút như trước đây. Khi cộng đồng người dùng đủ lớn mạnh và thể hiện sự gắn kết với thương hiệu, tháng 6/2018, công ty này tuyên bố mở lại chức năng buôn bán mỹ phẩm châu Á trên website tại Mỹ.
Thu thập thông tin về nhu cầu của người dùng
Nhờ việc thu thập dữ liệu từ cộng đồng 5 triệu người dùng mỗi tháng, công ty có thể phân tích được sở thích, loại da, hay xu hướng của khách hàng một cách chính xác. Các dữ liệu thu được từ website giúp đơn vị này tung ra dòng sản phẩm mặt nạ đất sét và mặt nạ lột trong khi nhiều nơi khác vẫn đang quay cuồng đáp ứng nhu cầu mặt nạ giấy.
Rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm
Các startup mỹ phẩm nhỏ hơn Memebox như trang thương mại điện tử Soko Glam, Glow Recipe đã thành công trong việc bán các sản phẩm làm đẹp châu Á đến người dùng Mỹ. Tuy vậy, một trong những lợi thế của Memebox so với các thương hiệu làm đẹp khác đó là chu trình phát triển sản phẩm khá ngắn.
“Công ty chỉ mất khoảng 6 tháng để cho ra sản phẩm mới trong khi các nhà sản xuất khác thường mất đến 18 tháng”, Giám đốc phát triển sản phẩm của công ty Danielle Zhu cho biết. Điều này giúp các sản phẩm nhanh chóng và dễ dàng tận dụng những “khoảng trống” của thị trường để tiếp cận với khách hàng trước, định hình thói quen sử dụng và mua sắm.
“Quy trình sản xuất ngắn giúp hãng có thể đa dạng hóa các sản phẩm làm đẹp. Các quan điểm trong ngành làm đẹp châu Á đang gặp phải những giới hạn như đề cao việc phải có làm da trắng, hay tập trung vào những quảng cáo với người mẫu xinh đẹp, lộng lẫy. Đơn vị muốn tạo ra các đại sứ làm đẹp từ trang web để hướng đến các đối tượng khách hàng đa dạng hơn”, vị này nhận định.
Dòng sản phẩm mặt nạ lột của thương hiệu I Dew care, thuộc Memebox. Ảnh: Racked |
Tùy chỉnh thiết kế website bán hàng theo nhu cầu
Ngành công nghiệp làm đẹp đã thay đổi rất nhiều trong vài năm qua. Trong khi các thương hiệu như Estée Lauder và Lancôme tung ra những chiến dịch truyền thông hào nhoáng để bán nước tẩy trang hay kem dưỡng ẩm, nhiều khách hàng Mỹ đã tự tìm đến các cộng đồng làm đẹp châu Á để hiểu biết hơn về thành phần, nguyên liệu và tạo nên chu trình dưỡng da nhiều bước của riêng mình.
Vì vậy, trang web của Memebox tích hợp cả chức năng khám phá cho phép người dùng tìm kiếm thông tin về thành phần trong mỹ phẩm. CEO startup cho biết các chức năng mới sẽ sớm được triển khai trong những tháng tới bởi rất nhiều người hâm mộ mỹ phẩm châu Á muốn tìm hiểu kỹ hơn về nền tảng khoa học đằng sau những thành phần như Vitamin C hay Retinoids, và cách chúng tác động đến làn da của họ.
(Theo VnExpress – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)