Bắt đầu khởi nghiệp với lý do đơn giản là không tìm được một đôi giày sandal vừa ý trên thị trường rồi quyết định tự thiết kế ra mẫu giày yêu thích, sau 4 năm kinh doanh, hiện CEO Trần Phạm Thông Hiệp đã mang về doanh số hằng năm vài chục tỷ đồng cho SHONDO (nhãn hiệu giày sandals của Công ty TNHH SHAT).
Từ tìm một đôi sandal cho mình
Dịp Tết 2014, khi còn đang là sinh viên, Trần Phạm Thông Hiệp muốn mua một đôi giày sandal. Thế nhưng tìm khắp trong các cửa hàng lẫn ngoài chợ vẫn không thấy đôi giày vừa ý, vì theo Hiệp, thời điểm đó, hầu hết sản phẩm trên thị trường rất đơn điệu, quanh đi quẩn lại chỉ có giày màu tối, mẫu mã cũng không đa dạng.
“Giày sandal rất phù hợp với điều kiện thời tiết nóng ở TP.HCM, nên giới trẻ có nhu cầu rất cao về dạng giày này. Tôi tự hỏi, tại sao mình không thử làm ra những đôi sandal nhiều màu sắc hơn, mẫu mã bắt mắt hơn, để khi sử dụng chúng, người trẻ sẽ nổi bật hơn giữa đám đông?”, Hiệp kể.
Nghĩ là làm, chàng sinh viên 20 tuổi dành ra nhiều tháng trời để tìm hiểu cách tạo ra một đôi giày, tìm nguyên liệu, từng chiếc đế, chiếc quai… rồi đặt gia công ra khoảng 60 đôi sandal với màu sắc, kiểu dáng nổi bật. Thông qua trang mạng xã hội Facebook, những đôi giày ban đầu này được bán hết chỉ trong vòng vài tuần.
Nhờ sự truyền tai nhau về tính thẩm mỹ cao của sản phẩm, cộng thêm sức lan tỏa trên mạng xã hội, khách hàng tìm đến giày của Hiệp ngày càng nhiều. Lúc này, Hiệp mới đặt tên nhãn hiệu là “SHAT”, nghĩa là “sandal & hat” (giày sandal và nón).
Chưa có vốn để mở cửa hàng, kênh bán hàng duy nhất của Hiệp thời điểm đó vẫn là mạng xã hội Facebook. Vay mượn của người quen 5 triệu đồng – số vốn mà cả hai bên đều thầm hiểu rằng “không chắc gì sẽ lấy lại được”, Hiệp tiếp tục mày mò để nâng cao chất lượng giày, rồi thuê thêm người hỗ trợ.
“Lúc đó, chúng tôi làm ra và bán những đôi giày sandal chỉ trong một không gian vỏn vẹn 15 mét vuông, ở một con hẻm nhỏ tại quận Tân Bình, TP.HCM. Trên gác là nơi sản xuất, dưới tầng trệt là cửa hàng với chỉ một chiếc kệ trưng bày sản phẩm”, Hiệp nhớ lại.
Càng lúc người mua càng tìm đến với SHAT nhiều hơn, nhất là vào những dịp Noel, Tết… Vì vậy, ngay cái Tết đầu tiên, Hiệp đã “dư dả tài chính” nên quyết định vừa duy trì việc kinh doanh, vừa mở rộng sản xuất. Một năm sau, đến tháng 8/2015, cửa hàng thứ hai và Công ty TNHH SHAT ra đời.
Đến làm ra hàng trăm ngàn đôi cho người khác
Khi cái tên “SHAT” được nhiều khách hàng biết đến, Hiệp lại quyết định đổi tên nhãn hiệu thành SHONDO – cách phát âm gần giống với “sandal” trong tiếng Anh. “Có nhiều lý do khiến tôi đưa ra quyết định liều lĩnh này. Một trong số đó là trên thị trường lúc đó đã xuất hiện quá nhiều sản phẩm na ná với giày của SHAT. Thêm nữa, tôi cũng chưa hài lòng với chất lượng sản phẩm ban đầu, nên muốn “đập bỏ” hết những thứ trong quá khứ, tạo động lực làm tốt hơn nữa từ sản phẩm đến hệ thống cửa hàng, dịch vụ khách hàng…”, Hiệp giải thích.
Khi nhu cầu sản xuất ngày càng tăng, cứ mỗi 6 tháng đến một năm, Hiệp lại chuyển xưởng sản xuất đến nơi rộng rãi hơn. Từ căn gác xép 15 mét vuông ban đầu, xưởng sản xuất hiện tại đã rộng 1.000 mét vuông. Đồng thời, giày SHONDO đã có hệ thống hơn 20 cửa hàng, gồm các cửa hàng tại TP.HCM và nhượng quyền tại Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ và Mỹ Tho.
Một thân một mình khởi nghiệp, đến nay, Hiệp đã điều hành bộ máy nhân sự trên dưới 150 người làm việc ở văn phòng, xưởng sản xuất và cửa hàng.
Tôi nhận thấy, bài học đắt giá nhất trên hành trình khởi nghiệp những năm qua là: phải tìm những người giỏi hơn mình để giải quyết những phần việc mình làm chưa tốt, đặt niềm tin vào họ và tạo điều kiện để họ phát triển.
Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Hiệp cho biết, sự độc lập chính là động lực để bản thân vươn lên. “Hình như từ nhỏ, tôi đã có sẵn máu kinh doanh trong người. Từ hồi còn học cấp 2, tôi đã bán những món đồ nho nhỏ cho bạn bè, thường là những món mình sở hữu và được bạn bè yêu thích, như chiếc nón, chiếc áo…”, Hiệp chia sẻ.
Là người trực tiếp đưa ra ý tưởng thiết kế sản phẩm nên Hiệp được ví như “linh hồn của công ty”. Thế mạnh là sức sáng tạo, để việc điều hành được hiệu quả, CEO 24 tuổi cho biết mình đã phải học hỏi rất nhiều từ tất cả những thành viên tham gia vào đội ngũ, từ nhân viên đến cấp quản lý, dù có những người chỉ góp sức trong một khoảng thời gian ngắn.
“Tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức, sản phẩm bị lỗi, đơn hàng bị hủy, mất khách hàng, nhân viên ra đi… Mỗi thử thách đó đều để lại cho tôi nhiều bài học nhớ đời. Và tôi nhận thấy, bài học đắt giá nhất trên hành trình khởi nghiệp những năm qua là: phải tìm những người giỏi hơn mình để giải quyết những phần việc mình làm chưa tốt, đặt niềm tin vào họ và tạo điều kiện để họ phát triển”, Hiệp bày tỏ.
Trong bối cảnh SHONDO đã vượt kế hoạch bán ra 200.000 đôi giày trong năm 2018, sang năm 2019, Hiệp cho biết sẽ nâng mục tiêu lên 400.000 – 600.000 đôi giày sandal trên toàn quốc. Vị CEO trẻ cũng không giấu tham vọng giành được một chỗ đứng nhất định trên thị trường giày Việt Nam trong vòng 10 năm kinh doanh, tiến tới xúc tiến thương mại sang những quốc gia có điều kiện khí hậu tương tự Việt Nam, đồng thời cân nhắc khả năng kêu gọi đầu tư để mở rộng quy mô công ty.