Ben Francis – doanh chủ trẻ tuổi của Gymshark, thương hiệu quần áo thể thao nổi tiếng đến từ nước Anh. |
Trong khi nhiều người trẻ lựa chọn phương án duy trì một công việc văn phòng bình thường và triển khai startup của mình song song với đó, thì Ben Francis đã bắt tay khởi nghiệp ngay từ thời còn sinh viên. Vào năm 2012, chàng sinh viên 19 tuổi khi đó phải đi học gần như cả ngày, sau đó làm nhân viên giao pizza đến tận khuya và đồng thời duy trì hoạt động của dự án khởi nghiệp mang tên Gymshark.
Chia sẻ trong chương trình The Boss của BBC, Ben nhớ lại: “Ngày trước, tôi phải đến trường Đại học Aston ở Birmingham để học cho tới đầu giờ chiều, và sau đó sẽ sang Pizza Hut làm việc từ 5h00 – 10g00 tối. Tôi có thể trả lời email khách hàng của Gymshark trong thời gian nghỉ giữa các chuyến giao pizza. Làm xong, tôi sẽ về nhà và sắp xếp lại website cũng như thiết kế sản phẩm mới”.
Dù doanh thu khi ấy của Gymshark rất ấn tượng, đạt tới 250.000 bảng Anh/năm, song cái giá phải cũng không hề nhỏ. Sau 2 năm làm việc đến kiệt sức, Ben đã quyết định nghỉ học và bỏ luôn cả công việc tại Pizza Hut để tập trung phát triển startup của mình. Bẵng đi một thời gian, đến ngày hôm nay, Gymshark tuyên bố mức doanh thu dự kiến của năm 2018 sẽ lên tới 100 triệu bảng Anh.
Sau đó, ý tưởng về Gymshark cũng nối tiếp ra đời. Ban đầu, Gymshark được định hình là một trang bán lẻ thực phẩm bổ sung trực tuyến dành cho những người yêu thích thể hình. Ben nói: “Tôi thường xuyên đi tập gym và khá thích bộ môn này; về cơ bản mà nói, thì tôi cũng muốn lấn sân vào ngành công nghiệp thể hình. Tôi muốn kết hợp mong muốn này với việc tạo nên một website bán hàng”.
Khi nhận ra biên lợi nhuận từ việc bán thực phẩm bổ sung quá thấp, Ben đã chuyển sang kinh doanh một mặt hàng mới – trang phục. Anh chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ mình đã tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy một bộ đồ nào ưng ý cả. Thế nên, tôi đã tự nhủ rằng, phải tự làm lấy mà thôi”.
Với sự giúp đỡ từ người anh trai và một nhóm bạn, Ben đã mua một chiếc máy may và một chiếc máy in để tự may những chiếc áo thun ba lỗ cũng như áo thun ngắn tay tại garage nhà bố mẹ. “Bà tôi biết làm rèm cửa, nên đã dạy cho tôi cách may đồ. Tôi vẫn nhớ, ngày đó, để xử lý khoảng 10 đơn hàng và làm khoảng 12 – 15 sản phẩm sẽ mất gần như cả ngày. Tuy nhiên, việc vừa làm vừa học thực sự rất vui”, Ben nói.
Ý tưởng ban đầu là kinh doanh thực phẩm bổ sung đã được chuyển sang kinh doanh quần áo vì biên lợi nhuận quá thấp. |
Nhìn lại chặng đường đã qua, Ben thừa nhận rằng, lúc bước chân vào kinh doanh quần áo, Gymshark vẫn không có bất cứ kế hoạch phát triển nào sau một thời gian. “Giống như là, tôi rất muốn mặc những bộ đồ này, nên đã tự tay làm ra nó vậy thôi”, Ben chia sẻ. Và rồi, Gymshark bắt đầu làm ra những chiếc áo ba lỗ tập thể hình hướng đến đối tượng khách hàng là các cậu thiếu niên có vóc người tương đối ốm; bởi vì, phần lớn các sản phẩm trên thị trường đều dành cho cánh đàn ông lớn tuổi hơn – những người đi tập đã lâu và có cơ bắp rõ ràng.
Ben nói thêm, giá tiền của các sản phẩm khi đó cũng được anh ước đoán, chứ Gymshark không có chiến lược định giá nào cả. “Thú thật, chúng tôi đã tự hỏi bản thân muốn trả cho thứ này bao nhiêu rồi tự định giá, chứ không có bất kỳ phương pháp thấu đáo nào cả”, chàng doanh nhân trẻ nói.
Ấy vậy, mà chỉ 6 năm sau, Gymshark giờ đây đã sở hữu hơn 1,2 triệu khách hàng cùng 215 nhân viên làm việc tại trụ sở của mình tại West Midlands. Làm cách nào mà hãng quần áo thể thao này lại có thể đạt được sự tăng trưởng nhanh đến chóng mặt như vậy? Nói một cách ngắn gọn, thì tất cả thành công của Gymshark đều đến từ việc vận dụng mạng xã hội một cách vô cùng tích cực.
Cụ thể hơn, Gymshark đã tặng miễn phí quần áo cho những cá nhân có tầm ảnh hưởng (influencers) lớn trong cộng đồng ưa thích thể hình như các vận động viên nổi tiếng, với hi vọng rằng, những ngôi sao này sẽ nói tốt về sản phẩm của mình trên YouTube và Instagram. Và, ý tưởng này đã mang lại thành công lớn, vượt xa những kỳ vọng của Gymshark. Chẳng mấy chốc, doanh số bán ra đã lên như diều gặp gió.
Thành công của Gymshark đều đến từ việc tặng quần áo cho các influencers. Một trong số đó như vận động viên thể hình Lex Griffin (bên phải) – người có số lượng followers rất lớn. |
Song song với việc sử dụng các influencers, Gymshark cũng đảm bảo sao cho tài khoản mạng xã hội của mình luôn bắt mắt và thú vị nhất có thể. Hiện nay, Gymshark đã có tới 2,4 triệu lượt theo dõi trên Instagram và 1,5 triệu trên Facebook. Gần đây, hãng quần áo này còn tổ chức nhiều sự kiện tại khắp nơi trên thế giới, mà trong đó, các khách hàng trung thành của Gymshark sẽ có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu cùng một số influencers. Thông thường, sẽ có hàng trăm người đến tham dự các sự kiện như thế này.
Lý do các influencers có thể khiến khách hàng lựa chọn Gymshark thay vì những thương hiệu khác là nhờ cảm giác thân thuộc mà họ mang lại.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng, góp phần nối tiếp thành công của Gymshark, phải kể đến những cá nhân dày dạn kinh nghiệm được Ben mời về giúp đỡ cho thương hiệu. Vào năm 2015, Steve Hewitt – một chuyên gia kỳ cựu trong ngành trang phục thể thao đã hợp tác với Gymshark trên cương vị giám đốc quản lý, trước khi chính thức trở thành CEO vào tháng Tư năm ngoái.
Dù vậy, Ben vẫn là chủ sở hữu phần lớn công ty; Hewitt và Paul Richardson – giám đốc chiến lược – cũng nắm giữ lượng cổ phần đáng kể. Một cổ đông khác của công ty là Lewis Morgan – người bạn đã giúp Ben thành lập Gymshark, song đã rời đi chỉ vài năm sau đó.
Emily Sutherland – một cây bút chủ lực của tờ tạp chí thương mại Drapers – cho rằng, yếu tố then chốt đằng sau thành công của Gymshark là việc tận dụng các influencers trên mạng xã hội. Cô nói: “Lý do các influencers có thể khiến khách hàng lựa chọn Gymshark thay vì những thương hiệu khác là nhờ cảm giác thân thuộc mà họ mang lại”.
Đồng thời, vì Gymshark là một thương hiệu chỉ tồn tại online và sở hữu phương thức marketing trực tiếp tới khách hàng, nên nó “có thể duy trì được sự linh hoạt, thích ứng nhanh chóng đối với những thay đổi trên thị trường và bỏ qua luôn việc gồng gánh giá thuê cửa hàng đắt đỏ”, Sutherland nhận định.
Các sự kiện của Gymshark thu hút rất đông người đến gặp gỡ, giao lưu cùng một số influencers của thương hiệu này. |
Trong tương lai, Gymshark đặt kế hoạch tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài. Hiện, 40% doanh số của thương hiệu này đến từ thị trường Mỹ. Kỳ vọng đến năm 2020, Gymshark sẽ có 25 cửa hàng trực tuyến được thiết kế phù hợp với từng mỗi quốc gia, so với con số 11 cửa hàng hiện tại. Đồng thời, nhiều khả năng, sắp tới, thương hiệu này cũng sẽ mở một cửa hàng cố định đầu tiên.
“Tôi không thường đi mua sắm, nhưng đang xem xét cách tốt nhất để có thể mở một cửa hàng cố định ở đâu đó. Tôi cũng không chắc lắm, vì chúng tôi sẽ cần khá nhiều diện tích. Tôi muốn mở cửa hàng ở một địa điểm nào đó thật độc đáo”, Ben cho biết.