Đối với Nadiem Makarim, Go-Jek chỉ đơn giản là một cách để cải thiện ngành gọi xe máy của nước mình. Thế nhưng, trong vòng 6 năm ngắn ngủi, Makarim đã đi vào lịch sử với tư cách là người sáng lập của một “kỳ lân” (startup trị giá từ 1 tỷ USD trở lên) đầu tiên của Indonesia. Ở tuổi 34, anh là CEO một công ty có giá trị ước tính gần 5 tỷ USD.
Ý tưởng nảy sinh
Câu chuyện khởi nghiệp của Makarim bắt đầu tại Harvard, cũng giống như nhiều startup khác. Lớn lên ở Indonesia, Makarim đã nhìn thấy tận mắt dịch vụ gọi xe máy, tiếng bản địa là ojeks, quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế của nước nhà. Tuy nhiên, giá cả và độ tin cậy trên thị trường lại là vấn đề lớn.
Vì vậy, trong thời gian học MBA, Makarim quyết định làm điều gì đó để cải thiện tình trạng này. Và, thế là anh bắt đầu hợp tác với 2 người đồng sáng lập Kevin Aluwi và Michaelangelo Moran. Makarim chia sẻ với CNBC: “Vào thời điểm đó, tôi nghĩ đã có rất nhiều người không tin vào việc ojek có thể trở nên chuyên nghiệp và đáng tin cậy”.
Makarim giải thích rằng, khi làm việc ở Indonesia, anh thường xuyên thuê ojek để giao hàng và giao nhận thức ăn cho mình. “Bằng cách làm quen với họ, tôi nhanh chóng nhận ra rằng ngành công nghiệp không chính thống này có giá trị to lớn như thế nào”.
Ý tưởng về một doanh nghiệp điều phối các cuộc gọi nhằm kết nối 20 tài xế ban đầu với hành khách nhanh chóng phát triển thành một ứng dụng đa dịch vụ, tạo ra một lực lượng lao động hơn 1 triệu người.
Theo Makarim, nhiều start-up thành công nhờ chọn đúng “thời điểm” và Go-Jek, cũng như các start-up khác, đã biết nương theo làn sóng của nền kinh tế chia sẻ đang phát triển. Anh cũng chia sẻ thành công của Go-Jek cũng một phần đến từ chiến lược kinh doanh bị nhiều người gọi là “phản khoa học”.
“Khi chúng tôi mới bắt đầu, mọi người nói với chúng tôi rằng các bạn chỉ được giỏi một thứ duy nhất mà thôi, bởi vì nếu không thực sự xuất sắc ở một lĩnh vực, thì không ai sẽ sử dụng sản phẩm của bạn hoặc những người khác sẽ xuất hiện và vượt qua bạn với công nghệ tốt hơn, nhiều tiền hơn”, Makarim nhớ lại.
Trái ngược với lời khuyên thông thường, Go-Jek quyết định chuyển mình nhanh chóng từ dịch vụ gọi xe máy thuần túy đến giao đồ ăn, dịch vụ làm đẹp theo yêu cầu, đặt chỗ giải trí và thậm chí thanh toán điện tử, với mục tiêu trở thành một nền tảng đầy đủ dịch vụ”. Đó là điều mà Makarim cảm thấy đặc biệt cần thiết ở châu Á, nơi mà việc áp dụng ứng dụng di động ngày càng tăng và người tiêu dùng đã thể hiện sự ưu tiên cho các nền tảng “phục vụ tất cả nhu cầu” (one-stop).
Đó là một chiến lược mà Makarim hy vọng sẽ tiếp tục gặt hái thành công khi Go-Jek mở rộng trên khắp Đông Nam Á trong nỗ lực cạnh tranh và vượt qua đối thủ.
Cạnh tranh là điều tốt
Hiện tại, Go-Jek chỉ hoạt động ở Indonesia nhưng, từ tháng tới, dịch vụ của hãng sẽ ra mắt tại Việt Nam và Thái Lan. Công ty cũng dự kiến sẽ sớm thâm nhập vào Singapore để lấp đầy khoảng trống để lại của Uber, khi nó rút khỏi Đông Nam Á hồi tháng 5.
Động thái này sẽ khiến Go-Jek phải cạnh tranh với Grab, dịch vụ gọi xe của Singapore đang dẫn đầu Đông Nam Á. Makarim thừa nhận cạnh tranh có thể khiến hai người ít nói chuyện với nhau hơn, anh cho biết áp lực cũng giúp thúc đẩy anh tiến lên phía trước.
Anh nói: “Cạnh tranh là rất khó khăn. Nhưng nếu nhìn xa hơn, bạn sẽ nhận ra rằng, cạnh tranh thực sự là một yêu tố cần thiết để giúp mở rộng quy mô”.
Makarim nói thêm rằng anh hy vọng Go-Jek sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp khác, cả ở Indonesia và khu vực rộng hơn, và hành động như một minh chứng về cách công nghệ có thể phá vỡ hiện trạng và cải thiện cuộc sống.
Anh nói: “Chúng tôi muốn khai phá ra một thị trường rộng lớn trong khu vực. Sau 10 – 20 năm nữa, tôi hy vọng Go-Jek sẽ được nói đến như một hình mẫu chứng minh cho việc công nghệ thực sự là yếu tố quan trọng giúp mở ra một nền kinh tế mới và là thứ tạo ra bước nhảy vọt vào giai đoạn tiếp theo của xã hội”.
(Theo NCĐT – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)