Tháng 6/2017, Nghiêm Xuân Huy vẫn còn là một nhân viên tư vấn đầu tư đầy tiềm năng của AMP, một trong những tập đoàn bảo hiểm – tài chính lâu đời tại Australia. Sở hữu tấm bằng cử nhân Đại học Sydney cùng công việc đáng mơ ước, nhưng chàng trai 9x lúc nào cũng băn khoăn giữa hai lựa chọn: Về Việt Nam hay ở lại.
Tự nhận mình là người mê kinh doanh, từ khi còn trên ghế giảng đường, Huy đã tập tành buôn bán. Anh tìm mua những hàng hóa rao bán trên Internet với giá hợp lý rồi đăng bán lại để kiếm lời.
Cũng trong những năm tháng đi học, anh cùng bạn bè cùng bắt tay vào hai dự án. Đầu tiên là ứng dụng game trên điện thoại di động. Dự án từng tham gia nhiều cuộc thi cấp trường và giành giải nhất một cuộc thi do Microsoft tài trợ.
Sau đó là ứng dụng gọi món ngay tại bàn ăn, thay vì chờ nhân viên phục vụ. App ra đời trong bối cảnh các nhà hàng tại Australia phải tốn nhiều chi phí cho nhân công. Nhưng dự án phải dừng lại sau đó 6 tháng vì khách hàng vẫn quen với việc được phục vụ. Sau đó, Huy có cơ hội tiếp cận một ứng dụng kết nối giới trẻ với các quỹ đầu tư của Australia. Bản thân anh cùng bạn bè khi dùng thử đều rất thích và nhận ra đây là giải pháp tuyệt vời.
Các quỹ đầu tư thường chỉ nhắm vào những nhà đầu tư lớn, nhiều tiền. Trong khi, giới trẻ cũng có nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận, nhưng do thiếu vốn hoặc kiến thức đầu tư nên đa phần chọn giải pháp gởi tiết kiệm ngân hàng. Với ứng dụng này, các bạn trẻ có thể trực tiếp đầu tư số tiền tích lũy (có thể rất ít) vào các quỹ mở và hưởng lợi dựa trên kết quả kinh doanh của quỹ đó. Bản thân các quỹ đầu tư có thêm cơ hội tiếp nhận nguồn vốn từ thị trường họ bỏ qua, mà không phát sinh thêm chi phí tiếp cận.
Tìm hiểu qua bạn bè, Huy biết Việt Nam chưa có sản phẩm tương tự và quyết định bắt đầu dự án mới. Anh tìm người phát triển ý tưởng tại Việt Nam, ban đầu trên nền tảng website. Gần một năm, các cuộc họp và liên hệ làm việc của nhóm bạn trẻ đều diễn ra giữa khoảng cách 7.775km.
Tháng 2/2017, sản phẩm đầu tiên ra đời với phiên bản còn khá thô sơ nhưng đã có 5 quỹ đầu tư tại Việt Nam tham gia. Từ đất nước chuột túi, Huy viết bài đầu tiên giới thiệu sản phẩm và kêu gọi các bạn trẻ trong nước tham gia một khảo sát nhỏ. Hơn 100 người có độ tuổi 21 – 32 đã thực hiện khảo sát, và có đến 76% cho biết muốn đầu tư nhưng không thể thực hiện vì hạn chế về kiến thức và vốn. Những người này sau đó được mời trở thành nhà đầu tư đầu tiên cho ứng dụng mới.
Đến ngày 7/6/2017, phiên bản nâng cấp hoàn chỉnh với giao diện thân thiện, dễ tương tác hơn. Công cụ có thêm tính năng phân tích, gợi ý cho nhà đầu tư cách phân bổ nguồn vốn vào các quỹ phù hợp với kỳ vọng của mình. Với ứng dụng này, bất cứ ai cũng có thể tham gia đầu tư, với số tiền tối thiểu chỉ từ 50.000 đồng.
Một lợi ích nữa của kênh đầu tư này là khách hàng không phải mất phí gởi tiền vào hoặc thay đổi danh mục đầu tư. Thông thường, mức phí này là 2% giá trị khoản tiền mỗi lần giao dịch, nếu đầu tư trực tiếp vào các quỹ.
Sản phẩm fintech này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ, đặc biệt là cộng đồng startup. Các quỹ và nhà đầu tư cũng liên hệ, đặt vấn đề muốn gặp và trao đổi trực tiếp với Huy ngày càng nhiều. Đây chính là lý do khiến chàng trai 9x băn khoăn giữa quyết định về hay ở. Bỏ qua hết những kế hoạch trước đó của bản thân cũng như sự phản đối quyết liệt từ gia đình, Huy quyết định trở về Việt Nam làm lại từ đầu.
“Mọi người hay dùng từ ‘chảy máu chất xám’ để nói về tình trạng sinh viên đi du học rồi ở lại quốc gia đó cống hiến luôn. Nhưng mình nghĩ, nếu có cơ hội, các bạn ấy cũng sẽ trở về giống mình thôi”, chàng trai chia sẻ.
Tuy nhiên, sự hồ hởi của Huy cũng gặp không ít “gáo nước lạnh” khi về Việt Nam. Nhiều quỹ phát triển của các ngân hàng thẳng thắn từ chối vì “không hiểu công nghệ này là gì” hoặc cho rằng nó không khả thi. Số nhà đầu tư vẫn tăng ổn định, nhưng nguồn thu chưa có trong khi khoản tiết kiệm vơi dần. Tính đến cuối năm 2017, startup này đã ngốn của Huy hơn 200 triệu đồng.
May mắn mỉm cười với chàng trai trẻ khi dự án giành giải startup triển vọng tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Cuối năm 2017, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đứng ra thành lập câu lạc bộ Vietfitech. Công ty của Huy tham gia với tư cách là thành viên nhóm sáng lập chính thức. Từ đây, dự án bắt đầu được các nhà đầu tư quan tâm hơn.
Đầu năm 2018, công ty nhận rót vốn từ một nhà đầu tư cá nhân và quỹ mạo hiểm H2 Ventures Australia. Với nguồn sinh khí mới, Huy đẩy mạnh các hoạt động nhằm cải thiện thương hiệu, quy trình vận hành ra mắt phiên bản ứng dụng trên nền tảng iOS và Android.
Từ đây, số người đăng ký sử dụng ứng dụng bắt đầu tăng trưởng ổn định. Hiện ứng dụng có 3.000 tài khoản đăng ký, thu hút hơn 2,1 tỷ đồng vốn đầu tư với 4.500 giao dịch thực hiện qua hệ thống.
Huy ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó, “đứa con tinh thần” của mình sẽ trở thành kênh gọi vốn phổ biến cho các quỹ mở và là nơi để các nhà đầu tư cá nhân trao gởi tài sản của mình trọn cả cuộc đời. Bởi chàng trai đang lên kế hoạch phát triển sản phẩm giúp người gởi yên tâm hoạch định các kế hoạch tương lai như mua nhà, mua xe, hưu trí khi về già.
“Nếu bằng lòng ở lại nước bạn làm công ăn lương, tương lai của mình có vẻ rất đơn giản. Nhưng khi về lại quê hương tự khởi nghiệp, mình thấy đây mới chính là cuộc sống của mình khi mình có đam mê, hoài bão”, chàng trai bộc bạch.
(Theo VnExpress – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)