Nền kinh tế chia sẻ ngày nay được biết đến với nhiều ý tưởng khác thường biến đổi mọi lĩnh vực. Việc cho người lạ đến nhà ngủ như mô hình Airbnb hay nhảy lên xe người lạ kiểu Uber đều bị xem là điên rồ trước năm 2008.
Và không thể không kể đến chuyện ngồi làm việc chung văn phòng với toàn người lạ như cách startup WeWork tạo ra.
Gần 10 năm trước, McKelvey và Neumann bắt đầu trình bày với các chủ đất ý tưởng cho thuê phần không dùng đến trong tòa nhà làm không gian làm việc chung.
Họ phục vụ tại đó cả cà phê, bàn bi lắc, ánh sáng và bài trí đẹp mắt, ghế sofa, những góc ngồi thư thái và đặc biệt, một cộng đồng xung quanh.
Ngày nay, ý tưởng văn phòng chia sẻ WeWork đã có địa điểm rải khắp Mỹ và 18 nước trên thế giới, trị giá 20 tỷ USD.
Miguel McKelvey hưởng đời sống tập thể từ lúc còn nhỏ. Anh được nuôi dạy bởi nhiều người trong một cộng đồng ở thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, Mỹ. 5 phụ nữ, gồm mẹ anh, là bạn thân lâu năm và đều đơn thân.
Họ phụ thuộc lẫn nhau như một gia đình lớn. McKelvey gần như có 5 người mẹ chăm bẵm.
McKelvey tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc tại địa phương, nhưng năm 30 tuổi mới hiện thực hóa được ước mơ làm việc ở New York.
Tại đây, anh gặp Adam Neumann thông qua bạn làm ăn. Neumann là nhà khởi nghiệp gốc Israel và đang tìm kiếm văn phòng mới cho startup. Được McKelvey gợi ý, Neumann về làm chung tòa nhà với anh.
Hai người bắt đầu trò chuyện về mối liên kết giữa các công ty cùng nằm tại đây và chất lượng dịch vụ tòa nhà nhận được.
Doanh nhân Neumann chia sẻ về mô hình cho thuê dãy văn phòng kiểu khách sạn từng chứng kiến, điều còn mới lạ với kiến trúc sư McKelvey. Anh quả quyết rằng nếu kinh doanh loại hình đó, có thể kiếm hơn mức chủ đất cho thuê.
Họ nghĩ ra ý tưởng cơ bản là chia ngăn văn phòng và cho thuê mỗi ngăn đó.
Hai chàng trai bắt đầu liên hệ một tòa nhà trong thành phố, tính thuê nguyên một tầng trống hơn 1.000 m2. Chủ đất là người sở hữu hàng trăm cao ốc, nghi ngờ khả năng chi trả của hai kẻ không phải dân bất động sản. Người này liên tục nói không với đề nghị của họ.
Dù vậy, Neumann bám riết trong nhiều tuần liền, khiến chủ đất dù không chịu để lại tầng trống kia nhưng đồng ý cho họ xem chỗ gần đó mới dọn dẹp.
Đó là kiểu nhà kho Brooklyn với thiết kế lộ gạch, lộ dầm và cột gỗ, cửa sổ to mà theo McKelvey, hoàn hảo cho không khí startup.
Về nhà, McKelvey bắt tay nghĩ ngay concept, tên gọi, mua tên miền website, thiết kế vài mẫu không gian, danh thiếp và tờ bướm. Anh thực hiện toàn bộ trong một đêm thức trắng, để trình diện hôm sau và thuê địa điểm thành công.
Bộ đôi tiến hành đăng quảng cáo trên web bất động sản, hứa hẹn cung cấp các dịch vụ bổ trợ như cà phê hay sự kiện trong văn phòng.
Khách tìm đến dần thích thú việc có thể tự sở hữu chỗ làm việc cá nhân lâu dài, trong không gian được bài trí bắt mắt, cách tân thay vì bầu không khí văn phòng truyền thống.
Ở đó còn sử dụng đèn vàng chiếu sáng như trong khách sạn, nhà hàng, điều rất hiếm thấy tại công sở.
Bằng mô hình văn phòng mới, hai chàng trai Mỹ mang người xa lạ từ nhiều giới, với nguồn năng lượng đa dạng, gần nhau. Không chỉ là những dãy bàn làm việc, việc bài trí bắt mắt và phục vụ nhiều tiện nghi biến nó thành một tiệm cà phê bất cứ lúc nào. Và người để trò chuyện luôn xung quanh.
Quan hệ giữa các cá nhân đến từ nhiều ngành công nghiệp được tạo ra. Điều lý thú là họ không chung công ty nhưng thành như đồng nghiệp. Chính tên gọi WeWork ra đời theo định hướng đó.
Từ 5 tầng nhà sở hữu với 350 thành viên thuê ban đầu, startup ra đời năm 2010 lan rộng thành hiện tượng toàn cầu, với chiến lược lấp đầy mọi khoảng trống trong các tòa nhà.
Hiện WeWork là startup lớn thứ ba ở Mỹ, được định giá 20 tỷ USD và có 250.000 thành viên sử dụng chỉ sau 8 năm thành lập. Hai đồng sáng lập đều được xác định thành tỷ phú.
Tuy nhiên, khá giống một startup đình đám khác là Uber, WeWork là “cỗ máy đốt tiền” khi thua lỗ đến 1 tỷ USD mỗi năm do chi tiền khai trương liên tục không gian mới. Với tốc độ mở rộng gần đây trên dưới 60 địa điểm mỗi năm, họ được ví như “Starbucks” của ngành văn phòng.