“Giã từ” độc canh con tôm sú, như nhiều người dân khác ở Vinh Thanh, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Công Tin tìm đến mô hình nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản, trong đó, lấy cá dìa làm chủ lực. Mô hình nuôi xen ghép cá dìa với tôm, cua là hướng đi đúng đắn giúp ông vực lại sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu.
Với 3ha mặt nước giờ là “cơ ngơi” mơ ước cho nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản (NTTS), ông Tin vẫn không quên những tháng ngày thất bát, cơ cực. Giải ngũ trở về quê hương, mang tâm thế xây dựng kinh tế trên vùng đất đầm phá được thiên nhiên ưu đãi, ông Tin bắt tay nuôi tôm sú độc canh. Những vụ thắng lớn cứ thưa thớt dần, rồi dịch bệnh tràn lan do môi trường ô nhiễm khiến tôm chết hàng loạt.
Ông Tin kể: “Khi giật mình nhìn lại thì nợ cũng đã đầm đìa rồi. Đúng lúc Hội CCB xã vận động các hội viên chuyển qua mô hình nuôi xen ghép cá dìa với tôm, cua. Hồ nuôi đã có sẵn, chỉ có cải tạo lại thôi. Mô hình như “niềm cứu cánh” cho nông dân với cán bộ xã là “địa chỉ” chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật”.
Những vụ thắng đầu tiên nuôi xen ghép tuy không bằng nuôi độc canh con tôm sú nhưng an toàn, bền vững hơn, giúp các CCB như ông Tin có nguồn vốn xoay vòng tái đầu tư vụ sau. Với 3ha mặt nước nuôi xen ghép tôm, cua, cá, ông Tin đa phần sử dụng thức ăn hữu cơ, tận dụng thức ăn tự nhiên nhằm giảm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm cũng như rủi ro dịch bệnh.
Cứ bình quân mỗi ha, trừ chi phí ông Tin thu được khoảng 80 – 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi xen ghép. Ông Tin chia sẻ: “Nuôi xen ghép thu lãi thấp nhưng chắc chắn hơn các mô hình khác. Nếu khi xảy ra sự cố dịch bệnh, chết con cua sẽ còn con cá, con tôm mà cho thu hoạch để bù lỗ. Trong khi độc canh thì thắng lớn nhưng thất bại liên tục do môi trường càng ô nhiễm, rủi ro ngày càng cao”.
Đặc điểm nuôi xen ghép là các loại thủy sản trong hồ nuôi sẽ “phân tầng” tận dụng được thức ăn, chất thải của nhau và sử dụng hết thức ăn trong hồ sau mỗi lần cho ăn, do đó không chỉ giảm chi phí nguồn thức ăn mà còn giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn thức ăn dư thừa tồn đọng dưới đáy hồ.
Với “tâm thế” lấy công làm lãi ban đầu, giờ đây mô hình NTTS của ông Tin đã “thắng lớn” nhiều vụ liên tiếp giúp ông trang trải chi phí, nợ nần và dần có nguồn vốn tích lũy..
Khi sản xuất đã đi vào ổn định, ông Tin xoay sang phát triển mô hình nuôi cá dìa bằng cách tăng mật độ nuôi xen ghép trong hồ. Cá dìa là loại thủy sản khá dễ nuôi và mang lại giá trị kinh tế rất cao. Mỗi vụ nuôi, ông Tin lấy con cá dìa làm chủ lực để tăng lãi mỗi vụ.
“Nuôi xen ghép cá dìa không phải “năng” cho ăn là mau lớn mà phải biết cho ăn vào thời điểm nào, cá sẽ tận dụng được hết nguồn thức ăn. Tôi thường cho ăn ban ngày, dành thời gian ban đêm để chạy máy sục khí. Khi cá dìa xảy ra dịch bệnh như đỏ vây, vi rút lở thân thì phải xử lý thuốc kịp thời. Trong quá trình nuôi hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, mỗi đầu mùa vụ, phải xử lý hồ thật kỹ bằng men vi sinh, sẽ hạn chế được rủi ro dịch bệnh trong vụ nuôi”, CCB Nguyễn Công Tin, chia sẻ.
Ngoài NTTS, gia đình CCB Nguyễn Công Tin còn là đại lý cung cấp thức ăn và các mặt hàng phục vụ NTTS cho các hộ tham gia nuôi trồng trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Có nguồn vốn trong tay, ông còn kinh doanh dịch vụ nhà hàng tiệc cưới để phục vụ nhu cầu của người dân. Với cách thức sản xuất, kinh doanh đa dạng như vậy đã mang lại cho gia đình CCB này nguồn thu nhập ổn định với khoảng 500 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Văn Phú, Chủ tịch Hội CCB xã Vinh Thanh đánh giá, CCB Nguyễn Công Tin là tấm gương sáng để nhiều hội viên xã Vinh Thanh nói riêng và các hội viện hội CCB huyện nói chung học tập và làm theo; qua đó, từng bước đưa phong trào CCB vượt khó xây dựng kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng.
Tựa bài do enternews đặt