Từng là chàng trai nghèo khó phải đi bốc vác, cửu vạn nặng nhọc, nhưng nhờ có ý chí, quyết tâm làm giàu mà giờ đây anh Lê Văn Cương, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã trở thành tỷ phú. Điều thú vị như anh Cương nói, anh có nguồn lãi hơn 1 tỷ đồng hiện nay xuất phát từ 3 con bò làm vốn ban đầu.
Đến thôn Xuân Chiểu, xã Vĩnh Ninh hỏi thăm anh Lê Văn Cương, không ai không biết, bởi anh là tấm gương tiêu biểu trên địa bàn huyện Vĩnh Tường làm giàu từ trang trại nuôi bò thịt, bò sữa. Trò chuyện cùng anh, chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần, ý chí và khát khao làm giàu chính đáng của người nông dân chân chất trên chính mảnh đất quê hương.
Sinh năm 1976, trong một gia đình vốn nhiều đời làm nghề nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái nghèo vẫn đeo bám gia đình anh Cương.
Vì vậy, anh Cương luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Lớn lên, lập gia đình, anh Cương lại càng nung nấu ý chí làm giàu hơn. Ban ngày, anh Cương đi làm thợ xây, tối anh làm thêm công việc cửu vạn, bốc vác xi-măng, nhặt nhạnh từng đồng để “góp gió thành bão”.
Những năm 2003, tận dụng lợi thế vùng bãi rộng lớn và điều kiện đất đai phù hợp với sự sinh trưởng của cây cỏ voi, anh Cương bắt tay gây dựng cơ nghiệp với 3 con bò thịt.
Theo anh Cương, mặc dù chi phí ban đầu mua bò giống cao, song quá trình nuôi lại không tiêu tốn nhiều bởi bò chủ yếu ăn cỏ. Chăn nuôi quy mô lớn đòi hỏi diện tích lớn và quy hoạch ra khỏi khu dân cư, vì vậy, để đảm bảo vệ sinh môi trường, gia đình anh Cương đã mạnh dạn đấu thầu, nuôi bò tại khu chăn nuôi tập trung của xã.
Không chỉ trở thành địa chỉ mua bò thịt, bò sữa giống ở huyện mà trang trại của anh Cương còn là điểm thu mua cỏ voi cho bà con trong xã. Với giá thu mua 400 đồng/kg, trung bình 1 sào cỏ thu được 4 – 5 tấn cỏ, lúc cao điểm như trong tháng 6 vừa qua, gia đình anh Cương đã thu mua giúp mỗi hộ tới 30 triệu đồng, thậm chí có hộ lên tới 60 triệu đồng, tiêu thụ hàng tỷ đồng tiền cỏ cho 50-70 hộ trồng cỏ voi trên địa bàn xã. Những lúc cao điểm, anh Cương phải thuê thêm 15-30 lao động thời vụ để cắt cỏ và vệ sinh chuồng trại…
Xung quanh chuồng trại, anh Cương trồng cỏ voi vừa giúp che nắng, mưa, giúp chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Anh đầu tư mua 1 máy thái cỏ, 1 máy nghiền phối trộn thức ăn để tiết kiệm thời gian, tự chủ nguồn thức ăn cho đàn bò.
Trong quá trình làm trang trại, có lần anh Cương tưởng như trắng tay bởi vấp phải sự cạnh tranh về giá sữa, giá bò thịt. Không nản chí trước những thất bại, được sự động viên của gia đình, anh từng bước khôi phục đàn bò, không chỉ bán bò thịt thương phẩm mà còn bán cả bò giống, phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài tỉnh.
Sau nhiều năm chăn nuôi, từng “ăn cạnh, ngủ cùng” những lúc bò chẳng may bị bệnh, lăn lộn tới nhiều hộ nuôi quy mô lớn, các trang trại lớn nhỏ từ Bắc vào Nam và được tham gia các lớp tập huấn, trang bị kỹ thuật nuôi bò của tỉnh, huyện tổ chức nên anh Cương nắm vững các biện pháp phòng trừ và điều trị bệnh trên cả bò thịt, bò sữa.
Hiện nay, trên diện tích hơn 1 mẫu, anh Cương xây dựng chuồng trại, nuôi 50 con bò sữa và 150 con bò thịt. Lý giải lý do chọn hướng tập trung nuôi bò thịt, anh Cương cho biết: “Giá mua bò thịt giống rẻ hơn bò sữa, không phải lo việc tiêu thụ do nhu cầu thị trường lớn. Nếu có rủi ro về dịch bệnh hay về giá, mức thiệt hại từ bò thịt thấp hơn nhiều so với bò sữa“.
Với quy mô đàn bò 200 con như hiện nay, trang trại của anh Cương cho lãi trung bình mỗi năm trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5-6 công nhân với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò thịt, bò sữa của gia đình anh Cương, nhiều hộ dân trong xã đã học hỏi kinh nghiệm và làm theo để phát triển kinh tế gia đình, đưa Vĩnh Ninh trở thành 1 trong 4 địa phương trọng điểm phát triển bò thịt, bò sữa trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Cương cho biết sẽ triển khai mô hình nuôi giun trùn quế để tận dụng nguồn chất thải từ bò bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và mong muốn sẽ xây dựng được trạm thu mua sữa cho bà con trong xã.